Lịch sử nghề kim hoàn Việt Nam

Niềm vui lớn nhất cuộc sống trao tặng cho con người chính là nghề nghiệp, với những thành quả đạt được trong nghề dù lớn hay nhỏ đều đem đến cho mỗi người những phút giây hạnh phúc, niềm yêu thương cuộc sống vì biết mình có ích cho chính mình và cho bao người khác. Chính nghề nghiệp làm cho xã hội loài người vận động và phát triển, một trong các nghề đó là nghề mỹ nghệ kim hoàn.

Từ 5.000 năm trước công nguyên, loài người đã tìm ra vàng và sử dụng vàng. Người Ai Cập phát hiện vàng trước tiên ở thượng lưu sông Nile, kim loại quý này đã góp phần thêm vẻ đẹp cho nền văn minh cổ đại Ai Cập. Trong dòng tiến hóa của nhân loại, sắc vàng rực rỡ choáng ngợp ấy là niềm vui, nguồn hy vọng cho biết bao người.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC LÀNG NGHỀ VÀNG BẠC VIỆT NAM

Ở nước ta, nghề mỹ nghệ kim hoàn đã có từ hàng ngàn năm, đã trở thành nghề cổ truyền cùng với bao nghề thủ công khác, nhiều làng nghề mỹ nghệ kim hoàn nổi tiếng từ thời Việt cổ cho đến bây giờ.

I. Làng nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương)

Cho đến bây giờ, làng nghề vàng bạc Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện Giang Binh, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ lại dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.

Là quan Thượng thư bộ lại, nhưng ông Lưu Xuân Tín rất được triều đình nhà Lê tín nhiệm, giao cho trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long bởi thời điểm ấy, bạc nén là đơn vị thay thế tiền tệ trong mọi hoạt động kinh tế, buôn bán trao đổi của xã hội. Được triều đình dành cho đặc quyền, Lưu Xuân Tín đã ưu tiên cho người làng ông lên Thăng Long lập xưởng đúc bạc tại phường Đông Các. Dần dần, từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng (còn gọi là kim hoàn). Kể từ đó, nghề làm vàng bạc Châu Khê trở nên lừng danh không chỉ ở Hải Dương mà còn lan truyền đến Hà Nội, nơi nổi tiếng với tên phố Hàng Bạc, tập trung rất nhiều thợ làm vàng bạc từ làng này.

Không phải là người đầu tiên tìm ra kỹ thuật sản xuất đồ kim hoàn, nhưng người Châu Khê có công lớn trong việc kết hợp khéo léo giữa đôi bàn tay, sự sáng tạo của trí tuệ, bí quyết riêng của bản thân với kỹ thuật làm vàng cổ truyền để cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện nhất. Họ không chỉ mang đến cho người sử dụng những món trang sức lộng lẫy, sang trọng mà còn góp phần duy trì làng nghề truyền thống của cha ông và sự phát triển nghề kim hoàn ở nước ta. Đặc biệt, trong khoảng gần 100 năm trở lại đây, làng nghề Châu Khê đã đạt tới đỉnh cao cả về kỹ thuật sản xuất, chất lượng và số lượng sản phẩm vàng bạc trong cả nước.

II. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình)

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, từ lâu nổi tiếng khắp nơi, sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước mà còn được khách nước ngoài biết tiếng bởi độ tinh xảo của những món hàng độc đáo. Nghề truyền thống này là niềm tự hào của người dân nơi đây do thu hút một lực lượng lao động khá lớn, đến 1.500 người và đem lại thu nhập ổn định cho người làm nghề.

Tổ nghề chạm bạc là Nguyễn Kim Lâu, ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XVII, vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long (Cao Bằng ngày nay). Về sau, ông đến vùng Kiến Xương (Thái Bình) lập ra 12 phường để truyền nghề, các phường nghề ngày đó nay là nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Cảm phục tài nghề và danh tiếng Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ lại lúc bấy giờ (dưới thời Gia Long) là Trần Minh cùng với vợ là Huỳnh Thị Ngọc mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật ròng rã suốt 11 năm. Năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian.

Theo di chúc của thầy, ba anh em Trần Hoà, Trần Điện, Trần Điền nguợc ra Thăng Long (Hà Nội) mở lò thu nhận đệ tử. Riêng anh em họ Huỳnh theo dòng người lập nghiệp xuôi vào phương Nam, đến Phan Thiết thì dừng chân, vừa thu nhận đệ tử truyền nghề, vừa để tưởng nhớ một người anh em của mình đã qua đời tại đây. Nghề kim hoàn ở Phan Thiết được khai sinh từ đó.

Ở miền Nam, nghề kim hoàn lúc ấy vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Theo ước nguyện của thầy, từ Thăng Long, anh em họ Trần bắt đầu cuộc hành trình xuôi vào phương Nam. Điểm dừng chân của họ là Gia Định – Chợ Lớn.

Công lao của các tổ sư kim hoàn không chỉ người đời sau luôn ghi nhớ mà còn nhận được nhiều sắc phong của triều đình, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Hiện nay, tại Nhà thờ Tổ Kim hoàn ở Huế và Lệ Châu Hội Quán (thành phố Hồ Chí Minh) còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của triều Nguyễn. Đó là hàm cấp bậc “Tiến sĩ khai hóa kim ngân”.

Nơi quy tụ các tay nghề thợ bạc cùng nhau đoàn kết để phát huy nghề truyền thống được gọi là “Lệ Châu Hội Sở”, sau đổi tên là “Lệ Châu Hội Quán” cho đến nay.

Nguồn: Hội Kim Hoàn Sài Gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *